Mất đúng một năm, tôi mới chịu thu xếp hành trang chuyển vô Sài Gòn học nốt hai năm trung học. Lẽ ra từ hồi đầu lớp Mười kia, nhưng tôi nghĩ cách để trì hoãn. Mà lý do thực sự không thể bày tỏ với ai chính là cảm giác lo sợ khi tới sống nơi lạ. Trong khi đó ba má tôi vẫn tin chắc rằng, một khi cửa hàng bán vật liệu xây dựng của gia đình làm ăn phát đạt, thì cho đứa con gái duy nhất lên Sài Gòn học trường tốt, mai mốt vô đại học là chuyện không có gì bàn tới bàn lui. Sửa soạn xong mấy túi hành lý, má nói với tôi: “Coi như sắp thành người lớn rồi nghe. Người lớn thì không có sợ chi hết. Còn nếu có sợ, cứ tự nhủ ai sao mình vậy là ổn!” Tôi nhẩm lại câu thần chú “ai sao mình vậy”, sẵn sàng bước chân vào nơi hoàn toàn mới mẻ.
Cho dù dì Út, người chăm sóc tôi trên thành phố, đã nói trước, tôi vẫn choáng ngợp khi bước chân qua cổng trường. Không chỉ các khối nhà sáng đẹp nối bởi lối đi có mái che, hàng cây thẳng tắp, trong khuôn viên trường còn có hồ bơi và một khu tập thể thao riêng biệt. Trong khi dì Út trao đổi với thầy quản lý về giờ giấc đưa đón, tôi đứng há hốc miệng ngắm nhìn xung quanh. Thình lình một bàn tay đặt lên vai tôi: “Chào Quyên. Tớ thay mặt lớp A2 ra đón thành viên mới!” Tôi quay phắt lại. Cậu bạn mặc đồng phục, đôi mắt sáng đeo kính và nụ cười rất tươi. Đi cùng tôi vô lớp, Cường tự giới thiệu mình là lớp trưởng. Chương trình nội trú nên lớp có phòng học, phòng sinh hoạt riêng. “Ở trường đề cao tinh thần tự lập. Không những học giỏi, mà còn phải khoẻ mạnh nữa. Những gì bạn chưa biết, bọn tớ sẽ chỉ dẫn. Làm quen mau thôi. Khi quen rồi, sẽ thấy vui lắm!” Tôi khẽ gật. Người khác làm gì, tôi sẽ làm như thế. Đó là cách dễ nhất và nhanh nhất để hoà nhập.
Cường không hề quá khi nói về tinh thần lạc quan và say mê hoạt động của các bạn lớp mới. Học kiến thức buổi sáng, buổi chiều, sau khi nghỉ trưa, ba chục thành viên kéo nhau sang phòng sinh hoạt chung. Để có đủ điểm số cần thiết, mỗi cá nhân tham gia rèn luyện thể thao và hoạt động ngoài trời. Còn để được yêu mến, bạn phải chứng minh bản thân có một tài năng nổi trội nào đó. “Ai sao mình vậy!” Lời dặn của má luôn ở bên tôi, nhắc tôi biết mình nên làm gì.
“Nhưng nếu tôi không tham gia thì các bạn, trong đó có Cường, sẽ không coi tôi là thành viên cộng đồng A2 nữa…”
Tôi học hành chăm chỉ, cố gắng hành động càng giống mọi người càng tốt, càng ít gây chú ý càng hay. Cố gắng của tôi mang lại một số kết quả hài lòng. Trong sổ liên lạc gửi về gia đình, lời nhận xét tích cực đầu tiên dành cho tôi là “hoà nhập tốt”. Mọi người ở nhà vui. Tôi cũng mỉm cười. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi. Riêng tôi mới biết mình gặp vấn đề khó khăn thế nào. Đầu tiên là bữa ăn. Ở trường tôi, học sinh được khuyến khích uống sữa để tăng chiều cao. Các bữa ăn luân phiên món Tây và món Việt. Mà tôi vốn chỉ quen uống trà đá, ăn các món nước như hủ tíu và phở. Uống sữa, ăn món Tây với tôi đúng là cực hình. Nhưng tôi cũng lấy thức ăn như các bạn khác, thật ít, ăn trệu trạo, phần còn lại lén bỏ đi và chịu đói meo suốt ngày học. Dì Út và má lên thăm chê tôi hơi ốm. Không ai biết lý do thực sự là gì.
Nhưng các giờ thể thao mới là mối lo sợ lớn nhất. Trong khi các bạn hăng hái nhảy xuống hồ bơi, chạy marathon quanh sân trường hay lập đội bóng rổ thi đấu, tôi cũng ráng tham gia. Tuy nhiên, chỉ một lúc tôi đã mệt phờ. Sức khoẻ kém một chuyện, cái chính là tôi nhận ra mình không hề có chút năng khiếu nào. Nhưng nếu tôi không tham gia thì các bạn, trong đó có Cường, sẽ không coi tôi là thành viên cộng đồng A2 nữa…
Một buổi tập bóng rổ, vì cú đỡ sai kỹ thuật, cổ tay trái tôi trật khớp. Rất đau nhức nhưng tôi không dám than thở với ai. Giờ nghỉ trưa, đau quá không ngủ được, tôi ra ngoài hành lang thì cô thư viện đi qua. Cô nhờ tôi phụ chuyển mấy thùng sách mới sang phòng thư viện. Tôi khệ nệ ôm một thùng dù vết sưng cổ tay nhói đau. Đúng lúc đó Cường cũng bước ra. Cậu ấy khựng lại: “Quyên bịnh hả? Cần Cường giúp không?” Tôi lắc đầu. Người khác làm được thì mình cũng làm được mà. Cường cau mày, giành lấy thùng sách trên tay tôi: “Đau tới mức mồ hôi đầy trán kìa. Quyên vô rửa mặt đi, để Cường làm cho!” Trong phòng vệ sinh, tôi nhìn vô tấm gương và bật khóc.
Cường đứng chờ tôi đầu hành lang. Cậu ấy đưa tôi mẩu khăn giấy chùi mắt, rồi dẫn tôi xuống phòng y tế. Cổ tay trật khớp được bôi thuốc và băng cố định. Sau đó lớp trưởng dẫn tôi xuống căng-tin. Vừa ăn chè, hai đứa vừa nói chuyện. Tôi kể hết mọi rắc rối, những điều cảm thấy khó khăn, những chuyện không thích mà miễn cưỡng làm. Lớp trưởng lắng nghe, đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Khi tôi kể hết, cậu ấy thốt lên:
- Sao Quyên không nói ngay từ đầu. Nếu không thích chơi thể thao, thì đăng ký vô câu lạc bộ vẽ tranh, diễn kịch hay đọc sách…
- Thiệt à? – Tới lượt tôi trố mắt – Quyên cứ tưởng “ai sao mình vậy”. Lớp trưởng nhăn mặt, cười phì:
- Trên đời làm gì có chuyện tất cả giống nhau. Mỗi người có năng khiếu riêng, sở thích riêng. Cái chính là theo đuổi điều mình thích. Chứ làm giống người khác đâu ích gì, còn mệt hơn. Trường mình nổi tiếng không chỉ dạy giỏi, mà nhờ có nhiều hoạt động để học sinh lựa chọn mà.
“Trường học là nơi mỗi người được trở thành chính mình, và tìm thấy những người bạn tốt nhất. Chẳng hạn với tôi, người tuyệt vời đó chính là cậu bạn đeo kính có nụ cười rất tươi”
Tôi ngẩn mặt đúng như một cô nàng ngốc nghếch. Giá tôi sớm nói ra vấn đề của mình chứ đừng im im chịu đựng thì mọi việc đã tốt hơn từ lâu.
Hiện giờ tôi là thành viên tích cực câu lạc bộ mỹ thuật của trường. Tranh tôi vẽ được các bạn dán khắp phòng sinh hoạt lớp. Từ một người nhút nhát lo sợ đủ thứ, tôi đã trở thành cô gái nhỏ năng động, tự tin thể hiện bản thân. Giờ tôi đã hiểu vì sao các thành viên A2 luôn đến trường với niềm vui. Trường học là nơi mỗi người được trở thành chính mình, và tìm thấy những người bạn tốt nhất. Chẳng hạn với tôi, người tuyệt vời đó chính là cậu bạn đeo kính có nụ cười rất tươi.